Giỏ hàng

Giới thiệu

 

Chúng tôi bắt đầu với cửa hàng cà phê đầu tiên ở Hà Nội vào năm 2013, khi thị trường vẫn còn chuộng cà phê trộn đậu nành hoặc tẩm rất nhiều hương liệu nhân tạo. Chúng tôi đã trải qua 2 giai đoạn chuyển mình quan trong cả về hướng đi và tư duy làm cà phê.

Mục tiêu làm cà phê ban đầu cực kì ngắn gọn: Xây dựng thành chuỗi phủ khắp Hà Nội với thương hiệu rang xay C.O.C Saigon Cafe.

Với mô hình khá thú vị, sau 1 năm, chúng tôi đã có 5 cửa hàng nhượng quyền ở Hà Nội. Thời điểm đó chúng tôi có 2 dòng sản phẩm: Hạt tẩm hương và hạt mộc. Cùng với sự tìm hiểu sâu về cà phê trong 1 năm đó, chúng tôi quyết định chuyển sang dùng hoàn toàn hạt mộc. Đây cũng là thời điểm khó khăn, khi mà những cửa hàng nhượng quyền không đồng ý chuyển đổi sang hạt mộc, khi mà thị trường Hà Nội cực kì chuộng cà phê trộn đậu nành. Lúc đó, hạt rang có tẩm hương vẫn bị khách hàng Hà Nội chê là quá nhạt chứ chưa nói đến hạt cà phê mộc. Mãi sau đến năm 2016-2017, người Hà Nội mới bắt đầu quan tâm nhiều đến hạt cà phê mộc này. Quay về với việc những cửa hàng nhượng quyền không đồng ý chuyển đổi hoàn toàn sang cà phê mộc, chúng tôi vẫn quyết định làm nó một mình, các cửa hàng khác đã đổi tên. Khi đó chúng tôi đã đi sâu về vùng nguyên liệu thay vì tập trung vào chuỗi bán lẻ. Và thị trường cà phê mộc ở Hà Nội khi đó là thị trường ngách, chúng tôi gọi nó là siêu ngách.

Bạn có thể ghé thăm cửa hàng nhỏ đầu tiên của chúng tôi ở Hà Nội để lắng nghe những câu chuyện thú vị về cà phê Việt Nam.

Địa chỉ: C.O.C Saigon Cà Phê, số 2, lô 11a, đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Facebook Fanpage: www.facebook.com/COCSAIGON

Vì sao chúng tôi chỉ phát triển cà phê Việt Nam? 

Với thị trường hiện tại, chất lượng cà Việt bị khách hàng đánh giá rất thấp, một phần vì tư tưởng sính ngoại, nhưng có lẽ phần lớn chất lượng cà phê Việt chưa được tốt như cà ngoại. Chúng tôi nói điều đó không có nghĩa đang nhận định tất cả cà Việt đều tệ và tất cả cà ngoại đều ngon. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được cà phê VIệt ngon không kém gì cà ngoại, ở một khía cạnh nào đó còn có điểm vượt trội. Tất nhiên đây là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì thay đổi cả về văn hóa canh tác cũng như chế biến, văn hóa thưởng thức cũng như giáo dục. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về những điều này qua dự án JEO (Journey to Excellence Origin). Quay về với việc vì sao chúng tôi chỉ tập trung phát triển cà phê Việt mà không bán cà ngoại, đó là câu chuyện khiến chúng tôi luôn trăn trở về chất lượng cũng như thương hiệu cà phê Việt. 

Vào một ngày cuối xuân năm 2015, chúng tôi đã có sản phẩm hạt rang khá ưng ý sau những năm thay đổi cách chăm bón đất, tỉa cành, phát triển cây che bóng, hái từng quả cà phê chín, chế biến Full-wash với nước sạch, phơi trong nhà màng với giàn phơi đặt cao so với mặt đất. Chúng tôi đem cà phê đi giao lưu cùng các bạn trong ngành và có một câu chuyện khiến tôi không thể nào quên được. Trong cuộc nói chuyện với một nhà rang cà phê lâu năm trong nghề ở Việt Nam, khách hàng cực kì thích sản phẩm của chúng tôi và hỏi nguồn gốc của nó, chúng tôi đã đùa rằng đây là hạt nhập từ Myanmar (khi đó Myammar đã có cà phê specialty). Câu chuyện thú vị đã bắt đầu từ lời nói đùa này, họ muốn mua sản phẩm số lượng lớn với mức giá mà chúng tôi không thể tưởng tượng được cho cà phê Việt tại thời điểm đó. Chúng tôi đưa họ (và cả chúng tôi) về mặt đất khi bảo rằng đây là cà phê Việt Nam, điều ngạc nhiên với chúng tôi là dù cà có ngon thế nào nhưng nếu là cà phê Việt Nam thì họ chỉ mua bằng nửa giá, không thể hơn. Nói như thế nào nhỉ? Đây là điều làm chúng tôi trăn trở, chúng tôi muốn phát triển cả phê Việt Nam cả về chất lượng và thương hiệu. Đây là bước chuyển mình thứ 2 trong tư tưởng làm cà phê của chúng tôi, chúng tôi muốn tập trung cho cà phê Việt.

Bạn có thể ghé thăm nhà rang C.O.C Roasters để được xem hạt cà phê được rang thế nào.

 

 
index